Bài viết được hỗ trợ biên dịch bởi Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế DNA
Đau lưng là một vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người gặp phải, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Thay vì tìm đến thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật thì còn có nhiều phương pháp tự nhiên và an toàn giúp chữa đau lưng hiệu quả mà bạn có thể thử.
Bài viết này sẽ bật mí cho bạn 7 cách chữa đau lưng vô cùng hữu hiệu mà không cần sử dụng thuốc hay can thiệp phẫu thuật. Những phương pháp này không chỉ giúp giảm đau lưng mà còn tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai cho cơ thể.
1. Thực hiện các bài tập
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là một trong những cách chữa đau lưng không dùng thuốc hiệu quả nhất. Không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, các bộ môn dưới đây còn có tác dụng giãn cơ và giảm đau lưng rõ rệt:
- Yoga: Tập yoga vừa cải thiện khả năng vận động, vừa giảm đau, đồng thời tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Pilates: Pilates tuân theo 6 nguyên tắc cơ bản, bao gồm định tâm, tập trung, kiểm soát, độ chính xác, dòng chảy và nhịp thở.
- Bơi lội: Mặc dù bơi lội có thể tăng cường sức mạnh cho lưng, vì nước hỗ trợ cơ, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định hiệu quả của bơi lội trong việc điều trị đau lưng dưới.
- Thái cực quyền: Các động tác trong Thái cực quyền có thể giúp giảm đau lưng.
- Thể dục nhịp điệu (aerobic): Tập aerobic thường xuyên có thể tăng cường thể chất, nâng cao sức bền cơ và sức khỏe tinh thần, cải thiện cơn đau.
- Bài tập ổn định sức mạnh cốt lõi: Những bài tập này cải thiện khả năng phối hợp các cơ phần thân, từ đó giúp giảm đau, giảm căng cứng và co thắt cơ.
- Đi bộ, chạy bộ, đạp xe: Đây là những cách cải thiện sức khỏe và tăng cường cơ bắp dễ thực hiện nhất.
Ngoài những bài tập thể dục đã đề cập, các động tác và tư thế kéo giãn cơ sau đây cũng giúp chữa đau lưng hữu hiệu:
- Động tác chạm vào ngón chân: Không chỉ giúp kéo căng gân chân ngỗng (cơ Hamstring), việc cúi người về phía trước để chạm tay vào ngón chân còn giúp thả lỏng các cơ ở lưng dưới.
- Tư thế rắn hổ mang: Nằm sấp, hai tay úp xuống đất đặt sát bên cạnh vai, nhẹ nhàng dùng lực hai tay nâng ngực lên sao cho đỉnh đầu hướng lên trần nhà.
- Tư thế con mèo – con bò: Chống hai bàn tay và đầu gối xuống đất ở tư thế “mặt bàn”, từ từ luân phiên giữa tư thế cong lưng về phía trần nhà và tư thế hạ lưng xuống sàn sao cho tạo thành hình giống chữ “U”.
- Tư thế em bé: Ngồi trên gót chân với hai đầu gối rộng bằng hông, sau đó từ từ đổ người về trước đến khi đầu chạm sàn, hai tay duỗi thẳng qua đầu.
2. Điều chỉnh tư thế trong sinh hoạt
Việc đứng hoặc ngồi sai tư thế có thể gây đau lưng. Do đó, bạn cần chú ý giữ đúng tư thế để vừa cải thiện tình trạng đau lưng hiện tại, vừa phòng ngừa nguy cơ chấn thương vùng lưng trong tương lai. Hãy tuân thủ theo các hướng dẫn sau và bạn sẽ thấy cơn đau lưng thuyên giảm rõ rệt:
- Chú ý tư thế khi ngồi, đứng hoặc đi bộ: Thay vì khom lưng và chúi người về phía trước, bạn nên ngẩng đầu, thẳng người và kéo vai về phía sau để đưa lưng về đúng tư thế.
- Tránh các tư thế lặp đi lặp lại: Nâng vật nặng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài có thể gây đau lưng.
- Đứng đúng cách: Phân bổ trọng lượng ở cả hai bên cơ thể thay vì đứng trụ vào một chân hoặc một bên.
3. Chườm nóng hoặc lạnh
Nếu bạn đang thắc mắc “Bị đau lưng nên làm gì?” thì việc chườm nóng và lạnh có thể giúp giảm sưng và làm dịu cơn đau nhanh chóng.
- Chườm lạnh: Nếu bạn vừa bị thương và cơn đau lưng vừa mới bắt đầu, hãy chườm lạnh để giảm sưng và viêm. Chườm lạnh cũng có thể giúp giảm đau bằng cách làm tê một số dây thần kinh đau.
- Chườm nóng: Sau khoảng 48 giờ, việc chườm nóng vào lưng có thể hữu ích. Hơi ấm sẽ làm dịu và giúp các cơ bị đau thư giãn, đồng thời tăng lưu lượng máu, đẩy nhanh quá trình chữa lành.
4. Massage
Nếu bạn bị đau lưng dưới, massage có thể giúp bạn “đánh bay” cảm giác đau lưng trong thời gian ngắn. Biện pháp này vừa mang lại sự thoải mái thông qua các kỹ thuật xoa bóp, trượt, rung, gõ… vừa ít rủi ro và tác dụng phụ.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy massage có thể cải thiện chứng đau lưng. Các chuyên gia sức khỏe cũng không khuyến nghị áp dụng phương pháp massage để chữa đau lưng dưới mãn tính. Ngoài ra, những người có các vấn đề sức khỏe sau cũng không nên áp dụng biện pháp massage để chữa đau lưng:
- Nhiễm trùng da hoặc viêm nặng
- Bỏng
- Gãy xương, nứt xương chưa lành
- Có khối u ung thư đang hoạt động
- Huyết khối tĩnh mạch sâu.
5. Ngủ đủ giấc
Một liều thuốc giảm đau lưng tự nhiên là ngủ đủ giấc. Nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng giấc ngủ kém trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ đau lưng mãn tính. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ/đêm.
Tư thế ngủ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chữa đau lưng. Khi bị đau lưng, bạn nên kê một chiếc gối dưới đầu gối nếu nằm ngửa. Khi ngủ nghiêng, hãy kẹp một chiếc gối giữa hai đầu gối để giúp cột sống thẳng hàng. Người bị đau lưng nên tránh nằm sấp.
6. Thay đổi chế độ ăn
Một chế độ ăn không lành mạnh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng chứng đau lưng. Chẳng hạn, đường bổ sung có thể làm tăng nguy cơ đau cột sống. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 bởi Tiến sĩ Suzanna Maria Zick và cộng sự cũng đã phát hiện ra rằng những người bị đau cột sống mãn tính có nhiều khả năng đã ăn một chế độ ít ngũ cốc nguyên hạt, sữa và trái cây.
Do đó, để giảm cơn đau lưng, việc thay đổi chế độ ăn uống là hoàn toàn cần thiết. Người bệnh nên thêm vào thực đơn hàng ngày những loại thực phẩm có đặc tính kháng viêm để cơn đau thuyên giảm, chẳng hạn như:
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Trái cây
- Rau, đặc biệt là rau lá xanh
- Thực phẩm giàu chất xơ
- Sữa chua
- Nghệ
- Gừng
- Trà xanh
- Hạt tiêu đen.
Bên cạnh đó, người bị đau lưng cũng cần tránh xa những thực phẩm có thể làm tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:
- Bột đã được tinh luyện hoặc gluten tinh chế cao
- Đường tinh luyện
- Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa
- Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
- Thịt đỏ
- Sản phẩm từ sữa
- Cà chua
- Cà tím
- Khoai tây.
7. Kết hợp với các liệu pháp y học hiện đại
Nếu người bệnh chỉ bị đau lưng nhẹ thì việc kiên trì áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi, đau lưng là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu gặp phải các triệu chứng sau:
- Cơn đau lưng xuất hiện đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng
- Đau lưng nghiêm trọng hoặc không thể chịu đựng được
- Cơn đau kéo dài hơn một hoặc hai ngày và không đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn
- Đau lưng kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi hoặc sụt cân.
Trong những trường hợp như vậy, việc lựa chọn các liệu pháp y học tiên tiến có thể mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Một trong những phương pháp hiện đại giúp cải thiện tình trạng đau lưng hiệu quả mà không cần dùng thuốc hay can thiệp phẫu thuật là liệu pháp Ozone.
Liệu pháp Ozone hoạt động dựa trên cơ chế đưa khí ozone y tế vào máu để bổ sung oxy dồi dào cho các tế bào trong cơ thể, từ đó mang lại những lợi ích sức khỏe như:
- Giảm đau và giảm viêm: Sự gia tăng lượng oxy trong các tế bào giúp quá trình lưu thông máu trơn tru hơn, nhờ đó có thể giúp hỗ trợ tình trạng đau lưng. Không những thế, khí ozone còn có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm hiệu quả.
- Tăng cường lưu thông máu: Khí ozone được bơm vào máu giúp cải thiện tuần hoàn, cung cấp thêm oxy cho các tế bào bị tổn thương.
Có thể thấy, liệu pháp Ozone không chỉ giúp giảm đau lưng nhanh chóng mà còn hỗ trợ quá trình cải thiện sức khỏe tổng thể nhờ mang đến nhiều tác dụng tuyệt vời khác. Do đó mà liệu pháp này đang dần trở thành một lựa chọn phổ biến và chúng thường kết hợp trong các phác đồ điều trị cho những ai mong muốn cải thiện tình trạng đau lưng mà không dùng đến thuốc hay phẫu thuật.
Tóm lại, đau lưng tuy không phải là vấn đề sức khỏe nguy hiểm nhưng có thể hạn chế các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp chữa đau lưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng, dai dẳng hoặc đột ngột, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
.Medicalnewstoday.com
.Health.clevelandclinic.org
.Health.harvard.edu