Bài viết có sự tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ Trịnh Như Thùy – Giám đốc Ngân hàng mô – tế bào gốc DNA
Y học tái tạo đang ngày càng phát triển và thu hút trong cộng đồng y khoa quốc tế, mang đến những phương pháp điều trị mới mẻ và đầy hứa hẹn. Một trong những phương pháp nổi bật và đầy tiềm năng là việc sử dụng chất tiết tế bào Exosome. Vậy Exosome là gì? Những tiềm năng của Exosome trong y học tái tạo ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin chia sẻ dưới đây:
Exosome là gì?
Exosome là các túi tiết từ tất cả các tế bào trong cơ thể như tế bào bạch cầu, tế bào nội mô, tế bào gốc trung mô, có kích thước nano (khoảng 30-150 nm), chứa rất nhiều phân tử hoạt tính sinh học như protein, nucleic acid (mRNA, miRNA, DNA,…), cytokine và lipids.
Exosome đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải các tín hiệu sinh học giữa các tế bào trong cơ thể. Chúng có khả năng tương tác và truyền tín hiệu cho các tế bào lân cận hoặc ở xa bằng 3 cách: nhập bào, dung hợp và gắn lên thụ thể tế bào đích.
Exosomes giúp điều hoà quá trình sinh lý như sửa chữa, tái tạo hoặc mang dấu ấn bệnh lý (ung thư) của tế bào và mô.
Nguồn thu nhận của Exosome từ đâu?
Có rất nhiều nghiên cứu về nguồn Exosome, từ huyết tương, bạch cầu cho đến các tế bào sừng, tế bào biểu mô,… Trong đó nguồn thông dụng và phổ biến nhất để chữa bệnh đó là nguồn Exosome từ tế bào gốc trung mô (từ màng ối, mô mỡ, tủy xương, cuống rốn em bé)
Đặc điểm và chức năng của Exosome sẽ phụ thuộc vào nguồn tế bào cho và điều kiện tại thời điểm tiết ra.
Tiềm năng của tế bào Exosome trong Y học tái tạo
Khả năng tái tạo mô
Exosome đã được chứng minh có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi mô bị tổn thương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều trị các bệnh lý về da, tim mạch, và thậm chí là hệ thần kinh.
Ứng dụng trong thẩm mỹ
Trong lĩnh vực thẩm mỹ, Exosome đang được nghiên cứu và ứng dụng trong các liệu trình trẻ hóa da, giúp cải thiện độ đàn hồi, độ mềm mại của làn da, giảm nếp nhăn, làm đều màu da, làm mờ các vết thâm nám, giảm sẹo. Exosome có khả năng kích thích sự phát triển của tế bào mới, mang lại làn da tươi trẻ và khỏe mạnh.
Điều trị một số bệnh lý phức tạp
Exosome còn mở ra những cơ hội mới trong việc điều trị các bệnh lý phức tạp như ung thư, tiểu đường, và các bệnh tự miễn. Các nghiên cứu cho thấy Exosome có thể được sử dụng để chuyển tải thuốc hoặc các phân tử điều trị trực tiếp đến các tế bào mục tiêu, tăng cường hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.
Ứng dụng của Exosome trong điều trị da và thẩm mỹ
Exosome đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực điều trị da và thẩm mỹ nhờ khả năng kích thích tái tạo tế bào, làm chậm quá trình lão hóa, và cải thiện các vấn đề về da.
Exosome có khả năng kháng viêm và kích thích tăng sinh tế bào tại mô đó. Chẳng hạn như tăng sinh tế bào sợi (tăng sinh sản sinh collagen, elastin), tăng sinh các tế bào tái tạo da, tái tạo mô.
Một số nhân tố kháng viêm, kích thích tái tạo và yếu tố lành thương chính được tìm thấy trong exosome từ tế bào gốc trung mô bao gồm:
– IL-10: IL-1Ra: Cytokine có hoạt tính kháng viêm
– TIMPs: Là enzyme ức chế enzyme MMPs giúp ngăn chặn phân hủy collagen và các thành phần khác của chất nền ngoại bào.
– HSP70 và HSP90: Heat-shock protein giúp bảo vệ tế bào khỏi các điều kiện stress
– MMP-2 (matrix metalloproteinase) : sữa chứa tế bào và tái tạo mô
– Apolipoprotein: phân tử vận chuyển bám vào lipid giúp xâm nhập vào da, mô, máu, dịch não tủy và bạch huyết.
– VEGF: Là nhân tố tăng trưởng nội mạch giúp kích thích tạo mạch máu mới, tăng tuần hoàn máu và lành thương.
– GDG-15: Điều hòa các phản ứng viêm.
– Pentraxines: Vai trò kháng khuẩn.
Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của Exosome trong điều trị da và thẩm mỹ:
Trẻ hóa da
Exosome có khả năng kích thích sản xuất collagen và elastin, hai protein quan trọng giúp duy trì độ đàn hồi và săn chắc của da. Các liệu pháp sử dụng Exosome thường được áp dụng để:
– Giảm nếp nhăn: Bằng cách tăng cường sản xuất collagen và elastin, Exosome giúp làm mờ các nếp nhăn, đặc biệt là các nếp nhăn sâu và các đường nhăn mảnh.
– Cải thiện độ đàn hồi: Sử dụng Exosome có thể làm tăng độ đàn hồi của da, giúp da trở nên săn chắc và mịn màng hơn.
Làm lành thương, giảm sẹo
Exosome giúp quá trình lành thương và giảm sẹo được tốt hơn. Việc cân bằng tỷ lệ collagen I và collagen III là yếu tố quan trong trong quá trình lành thương. Exosome tăng tỷ lệ collagen III/collagen I, giảm biệt hóa của các tế bào, giúp tái tạo mô tốt hơn.
Mờ thâm nám
Thâm nám thường là kết quả của sự tăng sinh melanin không đều. Exosome có khả năng điều hòa hoạt động của các tế bào sắc tố, giúp ức chế sự sản xuất melanin quá mức. Điều này giúp làm giảm thâm nám và mang lại làn da sáng đều màu hơn.
Các miRNAs có trong exosomes điều hoà việc sản xuất melanin khi chịu tác động của ánh nắng trời. Cơ chế tác động cụ thể như sau:
(i) miR3196 và miR145 làm giảm tác động của tia UVB lên nhân tố phiên mã MITF (microphthalmia-associated transcription factor).
(ii) miR21 ngăn ngừa tác động của tia UVC lên tế bào sắc tố
(iii) miR675 trực tiếp bám vào phân tử MITF để ức chế hoạt động của phân tử lên việc hình thành sắc tố
(iv) miR203 ức chế hoạt động của tyrosinase và thụ thể của nó.
(v) miR330-5p làm giảm hoạt động của các tế bào sắc tố.
(vi) miR143 giảm biểu hiện TAK-1 giúp giảm hình thành melanin.
Kích thích mọc tóc
Exosome có thể thúc đẩy tăng sinh các tế bào nhú bì nang tóc (DPCs) và tế bào nang tóc, tăng các tín hiệu hoạt hóa tế bào. Từ đó giảm kích thích tái tạo và phục hồi các nang tóc bị tổn thương, làm tăng mật độ tóc và cải thiện sức khỏe của da đầu. Điều này đặc biệt hữu ích trong điều trị rụng tóc, hói đầu, và các vấn đề liên quan đến tóc mỏng.
Những thông tin trên đây giúp bạn đọc hiểu hơn về Exosome là gì và những ứng dụng trong y học. Với những ưu điểm vượt trội, Exosome hứa hẹn sẽ trở thành một phương pháp thẩm mỹ an toàn, hiệu quả và được ưa chuộng trong tương lai.