Mất ngủ không quá nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ tác động tiêu cực lên sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống. Nhiều người chọn cách chịu đựng và vượt qua từ đêm này sang đêm khác. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều công nghệ y học hiện đại có thể giúp bạn và vượt qua dễ dàng.
Bệnh mất ngủ được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán bệnh mất ngủ. Trong đó có việc thu thập và tìm hiểu về bệnh tật, tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt, hoàn cảnh sống và một số thông tin khác.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện bài kiểm tra để chẩn đoán mất ngủ. Tuy nhiên thực tế không có loại xét nghiệm nào có thể giúp chỉ ra bệnh mất ngủ một cách trực tiếp. Những xét nghiệm đơn giản là để loại ra một số bệnh lý có triệu chứng tương đồng như mất ngủ. Một số xét nghiệm được sử dụng là:
– Xét nghiệm ngưng thở khi ngủ bằng các đo đa ký tại cơ sở điều trị và tại nhà.
– Nghiệm pháp đa tiềm thời giấc ngủ (MSLT)
– Giải pháp đeo hoạt động kế ghi nhận các hoạt động của bạn thông qua một dụng cụ đeo trên cổ tay, có thể phát hiện rối loạn giấc ngủ.
Những cách tiếp cận trong điều trị mất ngủ
– Thiết lập thói quen lành mạnh và thực hành đều đặn những thói quen này
– Điều trị bằng thuốc để dễ ngủ và dễ duy trì giấc ngủ.
– Chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Giải pháp uống thuốc không phải đều có tác dụng như nhau với tất cả mọi người. Một số loại thuốc điều trị có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Tuổi tác, tình trạng sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Ngăn ngừa mất ngủ được không?
Một số nguyên nhân mất ngủ có thể ngăn ngừa được, trong khi một số khác hiện tại vẫn chưa thể hiểu được một cách chính xác. Bạn có thể thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện giấc ngủ chẳng hạn như:
– Tạo không gian thoải mái để dễ dàng đi vào giấc ngủ: Bố trí rèm cản sáng, để ánh sáng vừa phải hoặc tốt nhất là ngủ trong không gian tối, mở âm thanh nhẹ nhàng thư giãn, nhiệt độ mát mẻ.
– Thư giãn tâm trí: Hãy loại bỏ những nỗi lo khi bạn bước lên giường ngủ, hãy dành thời gian thư giãn tâm trí 30 phút – 1 tiếng, tốt nhất là không đụng vào các thiết bị điện tử. Nếu nằm trên giường mà không ngủ được, bạn nên làm việc gì đó thư giãn rồi trở lại giường ngủ.
– Chú ý đến các loại đồ ăn, thức uống có tác động mạnh đến giấc ngủ, không nên sử dụng chúng nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon.
– Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục, có cuộc sống năng động, tràn đầy năng lượng sẽ tác động tích cực đến giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn.
Khi nào nên can thiệp y tế đối với tình trạng mất ngủ?
Mất ngủ nhìn chung không gây nguy hiểm, khi tình trạng này xảy ra không thường xuyên, không kéo dài, và bạn có thể sắp xếp, cải thiện để phục hồi cơ thể lại dần trở về bình thường.
Tuy nhiên nếu tình trạng mất ngủ kéo dài nhiều tháng (mất ngủ mãn tính) đi kèm với các hiện tượng như đau đầu, mệt mỏi, rối loạn lo âu, trầm cảm,… làm cơ thể kiệt sức và suy giảm sức khỏe nhiều, tác động tiêu cực lên công việc, chất lượng cuộc sống thì nên đi thăm khám, gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu có những dấu hiệu như: Có những cơn buồn ngủ khó cưỡng lại được vào ban ngày. Bạn ngủ quên trong thời gian lẽ ra phải thức, đặc biệt là ngủ quên khi đang làm việc hoặc lái xe. Khi bạn gặp một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác tác động đến giấc ngủ của bạn.
Nguồn tham khảo
Bacsigiacngu.com
Insomnia: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)
Overcoming Insomnia | Psychology Today