bệnh viện quốc tế dna
Hotline: 1900 2840 Từ thứ 2 - thứ 7: 8h00 - 17h00
Tư vấn cùng chuyên gia y tế

Một số thắc mắc liên quan đến bệnh mất ngủ

Bất kể ai trong chúng ta trong đời cũng đều từng trải qua tình trạng mất ngủ. Nhiều người phải đánh vật với chứng rối loạn giấc ngủ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Rối loạn giấc ngủ bao gồm việc khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy sớm và khó ngủ lại như mong muốn. Dưới đây là một số thắc mắc liên quan đến bệnh mất ngủ.

tinh-trang-mat-ngu
Mất ngủ là tình trạng ai cũng từng trải qua trong đời

Mất ngủ thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Mất ngủ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuổi dậy thì và người trẻ khi bị mất ngủ thường có xu hướng khó đi vào giấc ngủ, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Trong khi đó, ở các lứa tuổi lớn hơn, chứng mất ngủ thường biểu hiện thông qua việc khó duy trì giấc ngủ. Dù là dạng nào thì đều có những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Những nguyên nhân nào gây ra mất ngủ?

Nhìn chung, giới chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định chính xác những nguyên nhân gây ra mất ngủ, tuy nhiên một số thủ phạm cũng được nhận diện tương đối rõ ràng. Nhiều biến cố, sự kiện quan trọng xảy ra cùng lúc gây cảm giác lo âu, căng thẳng hoặc phấn khích tột độ có thể gây ra mất ngủ cấp tính. Ngoài ra, mất ngủ cấp tính cũng có thể có một số nguyên nhân từ các yếu tố thể chất như chấn thương hoặc sử dụng một loại thuốc nào đó.

Trong khi đó, mất ngủ trong dài hạn, mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến một số rối loạn trong sức khỏe tâm thần, một số xáo trộn trong chu kỳ ngủ – thức hoặc một tình trạng bệnh lý mãn tính nào đó trong cơ thể có tác động đến giấc ngủ. Xác định được nguyên nhân gây ra mất ngủ rất quan trọng cho việc quản lý và điều trị mất ngủ.

Mất ngủ lâu dài gây ra hậu quả gì?

Nếu mất ngủ tạm thời do một số nguyên nhân có thể khắc phục được và sau đó ngủ lại bình thường thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ gây thiếu ngủ trầm trọng, từ đó dẫn đến một số nguy cơ mắc các bệnh tật khác như: bệnh tim, đột quỵ, một số loại bệnh ung thư, tăng cân, nhanh lão hóa da, giảm mật độ xương, giảm khả năng nhận thức và tư duy. Ngoài ra mất ngủ mãn tính có dẫn đến một số tình huống nguy hiểm như gây tai nạn và chấn thương trong công việc hay lái xe.

Mất ngủ có thể gây trầm cảm hay không?

tinh-trang-mat-ngu-1

Mất ngủ mãn tính thường đi kèm với trầm cảm. Một số chuyên gia còn đề nghị xem mất ngủ như một triệu chứng quan trọng nhất của rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giữa mất ngủ và trầm cảm thì cái nào gây ra cái nào hay cả hai cùng tác động lên nhau, cái này có làm trầm trọng cái kia hay không vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.

Mất ngủ có phải một dạng bệnh về tâm thần không? 

Mất ngủ được xác định như một loại rối loạn giấc ngủ hơn là một dạng bệnh về tâm thần. Tuy nhiên mất ngủ thường là một triệu chứng quan trọng của một rối loạn sức khỏe tâm thần nào đó, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm hay một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Vì thế điều trị mất ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị một số bệnh về tâm thần. 

Mất ngủ không kích hoạt các triệu chứng về tâm thần. Tuy nhiên trong trường hợp thiếu ngủ trầm trọng, mất ngủ nhiều ngày có thể gây ra các tình trạng ảo giác về thị giác hay thính giác, hoang tưởng và một số đặc điểm của rối loạn tâm thần. Mất ngủ cũng rất phổ biến ở người bị tâm thần phân liệt và có liên quan đến sự khởi phát hoặc tái phát của chứng bệnh này.

Căng thẳng và đau buồn có gây ra mất ngủ?

Căng thẳng được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mất ngủ, đặc biệt là các chứng mất ngủ do hoàn cảnh tác động hoặc mất ngủ cấp tính. Lo âu cũng làm trầm trọng thêm mất ngủ và tiếp tục tạo ra một cái vòng mất ngủ lẩn quẩn.

Các sự kiện đau buồn cũng kích hoạt sự căng thẳng, cảnh giác cao độ, lo âu có tác động mạnh đến giấc ngủ. Trầm cảm hoặc lo nghĩ quá nhiều mà không nói ra được có thể góp phần làm cho chứng mất ngủ thêm dai dẳng. Trong nhiều tình huống, các nạn nhân của một sự kiện đau thương sợ đi ngủ vì họ sợ trong lúc ngủ mình có thể bị làm hại, tổn thương một lần nữa.

tinh-trang-mat-ngu-2
Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ

COVID-19 có làm mất ngủ hay không?

COVID-19 có tác động mạnh đến giấc ngủ và có gây mất ngủ ở nhiều người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai hiểu được tại sao.  Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục tìm hiểu một cách chính xác xem COVID-19 ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ người bệnh như thế nào. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sự căng thẳng chung của mọi người trong đại dịch có thể góp phần quan trọng trong hiện tượng mất ngủ khi mắc COVID-19.

Điều trị mất ngủ bằng thuốc có hiệu quả không?

Điều trị mất ngủ bằng cách uống thuốc phù hợp với các cơn mất ngủ trong ngắn hạn như các trường hợp rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ hoặc một số xáo trộn trong nhịp ngủ thức thông thường. Tuy nhiên, với các chứng mất ngủ diễn ra trong dài hạn hoặc mất ngủ mãn tính, việc dùng thuốc có thể trở nên nguy hiểm cho sức khỏe hoặc tạo thành các thói quen lệ thuộc vào thuốc.

(Thông tin bài viết từ Bacsigiacngu.com)

Nguồn tham khảo

Overcoming Insomnia | Psychology Today

Insomnia: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Chủ đề:

Tin liên quan

Bài viết được hỗ trợ biên dịch bởi Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện …

Bài viết được hỗ trợ biên dịch bởi Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện …

Bài viết có sự tham vấn chuyên môn bởi Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện …

.
Đặt lịch hẹn
1900 2840
.