(NLĐO) – Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 29-11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm kết hợp tư vấn trực tuyến về sức khỏe cho bạn đọc, chủ đề “Đối mặt, phòng tránh các bệnh thời đại” với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa về ung thư, tim mạch, truyền nhiễm, tâm lý lâm sàng… đến từ các bệnh viện uy tín. Trong đó có sự tham dự của TS-BS Lưu Văn Minh, Trưởng Khoa Nội ung bướu, Bệnh viện Quốc tế DNA.
Trong xã hội hiện đại, những căn bệnh như ung thư, huyết áp, tim mạch, đột quỵ, các bệnh truyền nhiễm, rối loạn tâm thần… đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng, sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày và công việc của người dân.
Đối mặt với những thách thức này đòi hỏi sự hỗ trợ đa chiều từ cả hệ thống y tế và cộng đồng xã hội. Để có đủ kiến thức và kỹ năng giải quyết những vấn đề trên, người dân rất cần sự tư vấn, hướng dẫn, can thiệp của đội ngũ chuyên gia y tế.
TS-BS Lưu Văn Minh giải đáp thắc mắc câu hỏi trong chương trình giao lưu trực tuyến
Câu hỏi 1 – Chị Liễu
Xin nhờ các bác sĩ tư vấn giúp: Chồng tôi bị U lympho không Hodgkin (Tế bào B), giai đoạn 2A, đã vô hóa chất tại BV Ung Bướu cách đây 16 tháng. Hiện 3 tháng tái khám 1 lần. Các kết quả tái khám của bệnh này thì đều ổn. Tuy nhiên, lần gần nhất, sau khi chụp CT, bác sĩ cho biết trong Phổi có 1 đốm nhỏ 5mm đáp ứng thuốc (trước đó khoảng 2 tuần thì chồng tôi có ho, có uống thuốc tại Phòng khám tư). Bác sĩ chỉ định nội soi cổ họng và kết quả tốt nên cho thuốc uống và hẹn tái khám sau 1 tháng. Bác sĩ cũng tư vấn là nếu có điều kiện thì nên chụp PET để kiểm tra phổi kỹ hơn. Đây có phải là di căn từ bệnh ung thư hạch kia hay không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ!
TS.BS Lưu Văn Minh:
Bệnh U lympho không Hodgkin là một dạng bệnh lý ung thư hạch bạch huyết. Việc điều trị chủ yếu là hóa trị; đôi khi, kết hợp xạ trị.
Chồng bạn được chẩn đoán giai đoạn 2A và hóa trị là điều trị chuẩn. Hiện nay phát hiện một nốt nhỏ trong phổi 5mm do đó cần theo dõi sát. PET CT là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất tốt để xác định hoặc loại trừ có di căn phổi hay không. Bạn nên thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Câu 2 – Anh Trần Hùng
Thưa bác sĩ, khám sức khỏe tổng quát có thể tầm soát ung thư không hay phải làm các kỹ thuật chuyên sâu?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Khám sức khỏe tổng quát có thể tầm soát nguy cơ bệnh ung thư. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định bệnh ung thư thì cần phải thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu mang tính chất chuyên khoa tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu.
Câu 3 – Chị Tô Thị Thùy Linh
Chào bác sĩ, em bị nhức nửa bên đầu trái, sau khi khám và chụp MRI, kết quả chẩn đoán: G43-migraine, hiện tại em đã uống thuốc được 8 ngày, đã giảm tình trạng nhức đầu, tuy nhiên buổi tối vẫn còn nhức khoảng 2-3 tiếng lúc khuya, bác sĩ cho em hỏi: 1. Tình trạng nhức đầu G43-migraine uống thuốc bao lâu sẽ hết? 2. Làm như thế nào để phát hiện ra bệnh G43-migraine. 3. Bệnh G43-migraine có yếu tố di truyền không?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Nhức đầu G43 – migraine còn gọi là bệnh thiên đầu thống. Việc điều trị bằng thuốc (điều trị nội khoa) cần phải kiên trì và theo dõi đều đặn. Giải trình tự gen sẽ phát hiện được đột biến gen gây bệnh này. Bệnh có yếu tố di truyền do đó nên xét nghiệm gen cho những người thân trực hệ.
Câu 4 – Chị Nhung Nguyễn
Nếu có triệu chứng nghi ngờ ung thư thì nên khám ở đâu?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Để tầm soát ung thư và phát hiện sớm bệnh bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu.
Câu 5 – Chị Minh Hằng
Bị ung thư vú không được ăn các sản phẩm làm từ đậu nành phải không?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Ung thư vú là một bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Trong năm 2020, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có 21.000 ca ung thư vú, đứng đầu ung thư ở phụ nữ. Việc điều trị ung thư vú nếu ở giai đoạn sớm ở những cơ sở chuyên khoa cho kết quả rất tốt. Việc điều trị thường phối hợp các vũ khí điều trị như: Phẫu trị, xạ trị, hóa trị.
Việc dinh dưỡng cho người bệnh ung thư vú là vô cùng quan trọng. Khoa học chưa có kết luận việc sử dụng đậu nành cũng như các chế phẩm của đậu nành làm tăng sự tái phát của bệnh ung thư vú. Do vậy, bạn nên ăn uống theo khẩu vị để bảo đảm sức khỏe được tốt.
Câu 6 – Anh Bình Minh
Lối sống ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc ung thư? Các biện pháp nào trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ này?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Như các loại bệnh khác, ung thư là một loại bệnh phát sinh do ba yếu tố:
– Di truyền: Đây là điều chúng ta không được lựa chọn vì thừa hưởng của ông bà
– Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của mỗi con người
– Lối sống ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ mắc các bệnh ác tính như: Thuốc lá, rượu bia, thực phẩm không an toàn, thiếu sự vận động thể chất,…
Như vậy, bạn có thể thấy lối sống lành mạnh là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư hữu hiệu
Câu 7 – Anh Thành
Hiện nay, có không ít gen Z mua vui bằng bóng cười hay các chất kích thích như nước vui, kẹo… Làm thế nào để có thể biết các bạn trẻ sử dụng các chất này? Khi phát hiện phụ huynh nên làm gì?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Để biết các bạn trẻ có sử dụng bóng cười hay các chất kích thích khác tại Bệnh viện Quốc tế DNA có thực hiện các xét nghiệm :
– Phát hiện sử dụng các chất gây nghiện trong máu và nước tiểu
– Xét nghiệm giải trình tự gen để tìm sự bất thường về gen có liên hệ đến sự bất thường này
– Xét nghiệm máu có kết quả ngay trong ngày
– Xét nghiệm giải trình tự gen sẽ có được sau 2 tuần
Câu 8 – Anh Tuấn Khải
Tâm lý tác động như thế nào đến quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh ung thư?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Trong điều trị ung thư có những phương pháp điều trị quy ước như: xạ trị, hóa trị, phẫu trị và miễn dịch liệu pháp.
Khi được chẩn đoán ung thân người bệnh trải qua một cú sốc về mặt tâm lý khá nặng nề. Để kết quả điều trị được tốt, đòi hỏi người thân và y, bác sĩ ngoài phương pháp điều trị trên nên giúp người bệnh ổn định tâm lý thật tốt sẽ góp phần nâng cao kết quả điều trị.
Câu 9 – Anh Minh Trí
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy chóng mặt, tay chân yếu và đôi khi mờ 1 bên mắt nhưng tầm 30p là trở lại bình thường? Tôi có bị bệnh không bác sĩ?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Những triệu chứng bạn vừa kể là những dấu hiệu không được xem thường bởi vì chóng mặt, tay chân yếu, nhất là mờ mắt có thể là triệu chứng của đột quỵ thoáng qua. Bệnh có thể tạm thời khỏi dù không điều trị gì nhưng lần kế tiếp có thể nặng hơn và có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ trong tương lai. Như vậy, lời khuyên là bạn nên sớm khám sức khỏe tổng quát để có giải pháp xử lý phù hợp.
Câu 10 – Anh Minh Trí
Nếu tôi thường xuyên cáu giận thì tôi có nguy cơ đột quỵ không bác sĩ?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Thay đổi tâm trạng theo hướng tiêu cực là cáu giận thường ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý và thể chất của người bệnh. Cáu giận không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ, tuy nhiên cáu giận sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Câu 11 – Nhung Nguyễn
Thỉnh thoảng tôi bị đau đầu, đau cổ vai gáy, xin bác sĩ cho biết có phải do máu huyết lưu thông bị tắc nghẽn khiến tôi bị đau? Nếu như vậy tôi sẽ có nguy cơ đột quỵ?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Như bạn vừa trình bày có hai bất thường mình gặp phải là nhức đầu và đau cổ vai gáy
Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh như: Cảm cúm, say nắng, sốt nhiễm trùng,… Tuy nhiên, nhức đầu cũng có thể là triệu chứng của những bệnh khác nguy hiểm hơn như: Viêm hệ thần kinh, bất thường mạch máu trong não, viêm các xoang vùng mặt và không loại trừ các bệnh ung bướu. Nhức đầu còn có thể có trong các bệnh lý nội khoa mãn tính như: Tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não,…
Do vậy, nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh từ thông thường cho đến nguy hiểm, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám chính xác.
Đau mỏi vai gáy thường gặp nhất là do thoái hóa cột sống cổ, việc chẩn đoán bệnh này không khó chỉ cần chụp x-quang hoặc MRI vùng cột sống cổ là phát hiện được ngay. Bạn nên đi khám bệnh sớm để điều trị bệnh hiệu quả.
Câu 12 – Anh Nguyễn Vân
Nghe nói Bệnh viện Quốc tế DNA tầm soát và có những phương pháp hiện đại trị liệu bằng những công nghệ mới về ung thư, lọc máu… Bác sĩ có thể thông tin về chi phí của các phương pháp này?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Bệnh viện Quốc tế DNA thực hiện gói tầm soát toàn diện bao gồm: Tầm soát phát hiện sớm các bệnh ung thư cũng như các bệnh nội ngoại khoa khác. Chi phí của các gói tầm soát tùy theo nhu cầu của từng khách hàng. Bạn có thể liên hệ đến bệnh viện để có mức chi phí cụ thể.
Câu 13 – Chị Bạch Dương
Tuổi già dễ gặp các bệnh về cơ xương khớp do lão hóa. Bệnh viện Quốc tế DNA có giới thiệu liệu pháp tế bào điều trị về bệnh này. Vậy cụ thể liệu pháp này là gì và liệu có giải quyết hết các cơn đau xương khớp hành hạ?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Xin bạn liên hệ trực tiếp đến bộ phận tư vấn của Bệnh viện Quốc tế DNA để được trả lời cụ thể và chính xác hơn.
Câu 14 – Chị Tú Quyên
Tôi nghe có một trào lưu là liệu pháp lọc máu phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Vậy liệu pháp này như thế nào, có an toàn và hiệu quả không?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Liệu pháp lọc máu cần phải được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên sâu của bệnh viện. Do đó, mời bạn liên hệ bộ phận tư vấn để được hướng dẫn cụ thể.
Câu 15 – Chị Ngọc Tiên
Hiện nay có rất nhiều nơi tầm soát ung thư. Bệnh Viện Quốc Tế DNA cung cấp các gói khám sức khỏe và tầm soát ung thư nào? Thu nhập như công nhân có đủ chi phí tham gia tầm soát không? Người có BHYT nếu được phát hiện bệnh và điều trị tại đây có được bảo hiểm thanh toán?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Quy trình tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư được thực hiện tại Bệnh viện Quốc tế DNA như sau: Xét nghiệm sinh hóa bao gồm những xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm những dấu hiệu bất thường đầu tiên về mặt chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
– Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, x-quang, CT scan, MRI, nội soi thực quản, dạ dày, đại trực tràng,…
– Tầm soát cơ quan như: Soi cổ tử cung, làm phết tế bào cổ tử cung, âm đạo, xét nghiệm tìm virus HPV gây ung thư phụ khoa.
– Tầm soát ung thư vú…
Chi phí thực hiện tầm soát tại bệnh viện nằm trong khả năng của đa số người dân và bệnh viện có những ưu đãi theo đợt. Hiện nay, bệnh viện chưa có liên kết với BHYT do vậy người đến tầm soát phải thanh toán chi phí trực tiếp.
Câu 16 – Chị Xuân Thu
Ngày nay, vì tính chất công việc bận rộn, nhiều người phải đi sớm về khuya, đi công tác nay đây mai đó, dần dần bào mòn sức khỏe của bản thân. Đến lúc nhận ra thì sức khỏe đã bị vắt cạn. Bác sĩ cho lời khuyên?
TS.BS Lưu Văn Minh:
Ngày nay, áp lực công việc tăng theo nhu cầu cuộc sống mỗi người nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe chung và từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến công việc. Để bảo đảm sức khỏe nói chung, mọi người cần phải có một chế độ làm việc và sinh hoạt hợp lý như cố gắng không làm việc quá sức, cân bằng dinh dưỡng hợp lý, duy trì thể dục đều đặn và có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo.
Với vai trò là một phần trong buổi tọa đàm lần này, Bệnh Viện Quốc Tế DNA mong muốn đóng góp thật nhiều kiến thức y khoa hữu ích, chính thống tiếp cận đông đảo người dân, đồng thời trở thành bạn đồng hành sức khỏe tin cậy để mang đến những giải pháp tiên tiến nâng cao chất lượng sống vượt trội.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Báo Lao động