Bệnh viện Quốc tế DNA và Viện tế bào gốc – Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM, vừa qua đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược tại Hội thảo Khoa học Thường niên SCITech Update 2024 diễn ra vào ngày 10/01/2025 tại khách sạn Rex, TP.HCM.
Tế bào gốc – một trong những thành tựu y học đột phá nhất trong hơn nửa thế kỷ qua – đang bước vào kỷ nguyên vàng của sự phát triển, với những công nghệ tiên tiến được cấp phép bởi các tổ chức uy tín toàn cầu. Việt Nam không chỉ hòa nhịp mà còn từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hành trình này, góp phần vào những tiến bộ vượt bậc trong y học tái tạo.
Hội thảo Khoa học Thường niên SCITech Update 2024 là nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu để cập nhật và chia sẻ những thành tựu vượt trội trong nghiên cứu tế bào gốc. Sự kiện đặc biệt này cũng đánh dấu những cơ hội hợp tác mới, mở ra con đường ứng dụng mạnh mẽ cho y học hiện đại.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược: Cột mốc mới cho tương lai y học tái tạo
PGS.TS Phạm Xuân Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM, phát biểu: “Bệnh viện Quốc tế DNA là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thành lập chuyên sâu về tế bào gốc. Kể từ khi hoạt động đến nay, Bệnh viện Quốc tế DNA là một trong những bệnh viện đem lại dấu ấn mới, và những bước tiến lớn trong ứng dụng tế bào gốc, mở ra một trong những hướng ứng dụng mà giờ đây rất nhiều người quan tâm đó là chống lão hóa”.
Buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Viện Tế bào gốc và Bệnh viện Quốc tế DNA không chỉ thể hiện sự gắn kết bền chặt mà còn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, ứng dụng tiên tiến.
Tế bào gốc trong điều trị đái tháo đường: Hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân
Hội nghị SCITech Update nhấn mạnh 10 sự kiện nổi bật về tế bào gốc năm 2024, đặc biệt là các thành tựu đột phá trong điều trị đái tháo đường type 1 và type 2 với hai ca điều trị thành công tại Trung Quốc, bằng cách ghép tụy đảo được biệt hóa từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng.
Tiến sĩ Trịnh Như Thùy – Giám đốc Ngân hàng mô – Tế bào gốc DNA trong chuyên đề báo cáo “Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Quốc tế DNA” tại Hội nghị khoa học thường niên SCITech Update 2024 chia sẻ: “Đái tháo đường, một trong những thách thức lớn của y học toàn cầu, đang dần tìm thấy hướng đi triển vọng nhờ tế bào gốc. Khả năng biệt hóa thành tế bào sản xuất insulin và bảo vệ tế bào beta đảo tụy là những lợi thế nổi bật, giúp phục hồi và tái tạo các mô tổn thương một cách hiệu quả.”
Cụ thể tế bào gốc có thể biệt hóa thành tế bào sản xuất insulin, thay thế chức năng tế bào beta trong tuyến tụy. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất insulin, tế bào gốc có thể bảo vệ tế bào đảo tụy thông qua điều hòa miễn dịch, kháng oxy hóa, và tự thực bào. Đồng thời chúng kích thích tái tạo tế bào beta nhờ tiết các yếu tố tăng trưởng như cytokine, VEGF, IGF-1… Ngoài ra, tế bào gốc còn giảm tính kháng insulin, hoạt hóa con đường tín hiệu IRS-1/P13K13S, tăng sự chuyển đổi đại thực bào tiền viêm sang kháng viêm, giảm cytokine và chemokine gây viêm.
Những tiến bộ này mở ra tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng tế bào gốc như một liệu pháp điều trị thay vì hỗ trợ điều trị, không chỉ cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân mà còn giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Tế bào gốc: Tương lai rực rỡ của y học tái tạo
Năm 2024 đã đặt nền tảng cho một thị trường tế bào gốc đầy hứa hẹn. Năm 2025, hứa hẹn chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, từ việc ứng dụng trong điều trị lão hóa, đái tháo đường đến các liệu pháp y học tái tạo tiên tiến khác.
Sự kiện SCITech Update 2024 và hợp tác chiến lược giữa Viện Tế bào gốc và Bệnh viện Quốc tế DNA chính là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn và cam kết mang lại sức khỏe bền vững, không chỉ cho Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn cầu.