Ở phụ nữ bị mất kinh do thiếu hụt estrogen, cơ thể sẽ thiếu đi các tác dụng có lợi của estrogen trong việc chuyển hóa calci, chuyển hóa chất béo và sự phát triển của biểu mô niệu dục. Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và có lượng estrogen trong cơ thể suy giảm sẽ bị mất đi mật độ xương một cách trầm trọng. Sau giai đoạn mãn kinh, việc chỉ dùng thực phẩm bổ sung calci cũng không thể ngăn sự mất mật độ xương, nhưng liệu pháp thay thế hormone có thể ngăn chặn việc này.
Suy chức năng buồng trứng sớm (premature ovarian insufficiency – POI) là một tình trạng ở phụ nữ với chức năng buồng trứng bị suy giảm trước 40 tuổi. Dù liệu pháp hormone là lựa chọn điều trị chính cho phụ nữ với POI, nhưng loại liệu pháp hormone nào là có hiệu quả trong việc bảo vệ mật độ xương? Các nhà khoa học đã công bố kết quả từ một nghiên cứu quan sát đánh giá việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống để bảo toàn mật độ xương ở phụ nữ với POI.
Nhóm nghiên cứu của Carvalho Gazarra và cộng sự xác định các phụ nữ với POI đã trải qua ít 2 lần đánh giá mật độ xương cách nhau ít 2 năm. Liệu trình điều trị bằng hormone (dùng thuốc liên tục) gồm có: 1 thuốc tránh thai đường uống chứa ethinyl estradiol (EE) 30ug và levonorgestrel; estrogen liều thấp và progestin (EPT, equine estrogen liên hợp 0.625mg và medroxyprogesterone acetate hoặc estradiol 1.0mg với norethindrone acetate); hoặc estrogen liều cao phối hợp với progestin (equine estrogen liên hợp 1.25mg hoặc estradiol 2.0mg phối hợp với cùng loại progestin).
Kết quả cho thấy, trong 119 phụ nữ được với POI tham gia nghiên cứu, việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống có mối quan hệ với xu hướng tích cực đối với mật độ xương. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống hoặc EPT liều cao, mật độ xương ở cột sống tăng lên. Ngược lại, mật độ xương ở cột sống giảm ở các phụ nữ không điều trị hoặc điều trị bằng EPT liều thấp.
Hệ quả của POI bao gồm vô sinh, cơn bốc hỏa, khô âm đạo, rối loạn chức năng tình dục, rối loạn cảm xúc, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, Parkinson và loãng xương. Lưu ý rằng, khuyến cáo của Women’s Health Initiative không áp dụng cho phụ nữ với POI. Liều sinh lý của liệu pháp hormone (cao hơn liều khuyến cáo điều trị triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ mãn kinh tự nhiên hoặc tự phát) là phù hợp với phụ nữ với POI, ít cho tới khi những phụ nữ này tới độ tuổi mãn kinh thông thường (51-52 tuổi).
Một nghiên cứu lâm sàng ở Scotland trên phụ nữ với POI đã cho thấy liều cao estrogen qua da hàng ngày (dùng 1-2 miếng dán 0.1mg estradiol) có tác dụng lên mât độ xương tích cực hơn thuốc tránh thai đường uống dạng bào chế EE 30ug.
Tương tự, một thử nghiệm ở Mỹ phát hiện, ở các vận động viên có bệnh lý mất kinh, liệu trình thay thế hormone dùng miếng dán estradiol có tác dụng tích cực trên mật độ xương hơn thuốc tránh thai đường uống dạng bào chế EE 30ug. Khoảng 66% vận động viên nữ với chế độ luyện tập khắc nghiệt bị tình trạng mất kinh, dẫn đến mật độ xương thấp, phòng ngừa và điều trị mất kinh đặc biệt ở giai đoạn thanh thiếu niên là rất quan trọng trong sự phát triển ổn định của xương khi trưởng thành. Kết quả của nghiên cứu này khác với báo cáo của Carvalho Gazarra có thể do một số nguyên nhân sau: trước hết, miếng dán qua da EE không bị chuyển hóa qua gan hay ức chế IGF-1; thứ hai đó là EE trong thuốc tránh thai đường uống có hiệu ứng kích thích phụ thuộc liều trong chu trình sản sinh SHBG ở gan, SHBG cao có thể làm giảm sinh khả dụng của estradiol và thay đổi SHBG có mối quan hệ ngược với thay đổi P1NP. Một lý do nữa đó là, nhóm nghiên cứu chọn chế phẩm tránh thai đường uống generic (30ug EE, 0.15mg desogestrel) chứ không phải loại chứa nồng độ estrogen thấp, nên dẫn đến hạ estradiol trong máu ở thời điểm 6 tháng và 12 tháng so với đường nền và so với nhóm sử dụng miếng dán, nhóm này có nồng độ estradiol tăng ở cả 2 thời điểm trên.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của Carvalho Gazarra vẫn ghi nhận kết quả của các nghiên cứu trên về lợi ích của miếng dán estradiol liều cao lên mật độ xương, đối với hệ thống y tế công cộng của Brazil, hormone đường uống rẻ hơn và thuốc tránh thai đường uống được miễn phí.
Ý nghĩa của nghiên cứu này đối với thực hành lâm sàng
Khi thay thế estrogen và progestin ở các phụ nữ trẻ bị suy giảm chức năng buồng trứng, sử dụng liều cao hơn liều điều trị cho phụ nữ gặp khó khăn với các triệu chứng vận mạch ở phụ nữ mãn kinh tự nhiên. Về mặt nguy cơ thuyên mạch, dùng đường qua da là an toàn hơn đường uống. Nghiên cứu ở Scotland và US cho thấy rằng, sử dụng estradiol qua da là một cách tiếp cận hiệu quả để duy trì sức khỏe xương ở phụ nữ trẻ tuổi bị mất chức năng buồng trứng.
- Kaunitz, A.M. Which hormonal management approach for women with premature ovarian insufficiency is best for bone? 2020; Available from: https://www.mdedge.com/obgyn/article/231058/gynecology/which-hormonal-management-approach-women-premature-ovarian.
- Ackerman, K.E., et al., Oestrogen replacement improves bone mineral density in oligo-amenorrhoeic athletes: a randomised clinical trial. British journal of sports medicine, 2019. 53(4): p. 229-236.